1. Nông nghiệp tái tạo là gì?

Nông nghiệp tái tạo là một phương pháp bảo tồn và phục hồi hệ thống nông nghiệp. Loại hình nông nghiệp này tập trung vào việc tái tạo lớp mặt đất, tăng cường đa dạng sinh học, cải thiện chu trình nước, tăng cường dịch vụ hệ sinh thái, hỗ trợ cô lập sinh học, tăng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu và tăng cường sức sống của nông nghiệp.

Mô hình này áp dụng trên các trang trại quy mô nhỏ thường dựa trên kĩ thuật như nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp sinh thái, nông lâm kết hợp, phục hồi sinh thái, thiết kế và quản lý toàn diện. Trong khi, các trang trại quy mô lớn, bên cạnh việc áp dụng các kĩ thuật này, còn thường sử dụng các phương pháp “không làm đất” hoặc “giảm làm đất”.

Việc khôi phục và duy trì sức khỏe của đất thông qua hàng loạt các thực hành như giảm làm đất, ủ phân từ rác thải nông nghiệp và trồng cây che phủ giúp hấp thụ nhiều carbon hơn. Bên cạnh việc hấp thụ nhiều carbon hơn, những người ủng hộ nông nghiệp tái tạo còn cho rằng phương pháp này giúp bổ sung nước ngầm, ngăn ngừa sâu bệnh và tăng năng suất cây trồng.

2. Tiềm năng lưu trữ carbon của nông nghiệp tái tạo

Các hoạt động nông nghiệp thông thường như làm đất đã phá vỡ con đường đi xuống của carbon, phơi bày các hợp chất hữu cơ đã từng bị cô lập và cho phép carbon thoát ra trở lại khí quyển.

Các hoạt động trồng trọt và đất được ước tính là chiếm 13,7% lượng phát thải do con người tạo ra. Bên cạnh đó, lượng phát thải nhà kính từ việc chăn nuôi động vật cũng tạo ra 11,6% lượng khí thải do con người tạo ra. Ngoài ra, hoạt động canh tác nông nghiệp thông thường cũng phát thải ra khí mê-tan (CH4).  

Khác với hoạt động của nông nghiệp thông thường, các biện pháp của nông nghiệp tái tạo được cho là có tiềm năng thu giữ và cô lập lượng carbon lớn trong khí quyển. Không cày xới đất, trồng cây che phủ, luân canh cây trồng đa dạng, chăn thả tái sinh,… được ghi nhận là có tác dụng trong việc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, nhờ khả năng đảo ngược quá trình phát thải CO2 ra môi trường. Canh tác nông nghiệp không cày xới đất giúp lưu trữ và cô lập CO2 trong đất mà không giải phóng trở lại khí quyển do đất không bị xáo trộn. Biện pháp nông nghiệp này được nghiên cứu rằng có thể làm tăng khả năng lưu trữ carbon trong đất lên tới gấp ba lần trong vòng chưa đầy 15 năm. Duy trì cây che phủ lâu dài, luân canh cây trồng và chăn thả tái sinh cũng được xem là những hoạt động có thể cô lập carbon ròng.

Nông nghiệp tái tạo không chỉ hấp thụ lượng lớn CO2 trong khí quyển, mà còn tránh giải phóng chúng trở lại môi trường. Điều này được thực hiện thông qua các hoạt động cơ bản của loại hình nông nghiệp này như không cày xới đất, trồng cây che phủ, luân canh cây trồng đa dạng, chăn nuôi tái sinh,… Đây là một loại hình nông nghiệp được ghi nhận là có tiềm năng rất lớn trong việc thu giữ carbon và góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.